THIÊN CHÚA TỰ SỬA SAI ?

Các lề luật cũ, từ nghi thức tế lễ cho tới cả chuyện khốn nạn “Mắt đền mắt, răng đền răng” cũng được bãi bỏ sau khi Đức Ki-tô xuất hiện. Như vậy, có thể nói được rằng Thiên Chúa đã phải tự sửa sai?

Tôi muốn nói lại chuyện lịch sử. “Mắt đền mắt, răng đền răng” nghe ra kinh khủng thật, nhưng trước hết có thể nói đó là một nguyên tắc điều hoà và hợp lí hoá việc trả thù, không để nó vượt ra khỏi khuôn khổ của hành vi tương ứng. Xem thế thì đó là một tiến bộ rồi, so với luật pháp đương thời. Ở đây phải nói thêm, nếu không có tình yêu thì cái tiến bộ về ý thứcpháp luật đó cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ có tình yêu mới bẻ gãy vòng trả thù luẩn quẩn và mới tạo ra được một thực tại mới.

Trong cuộc trao đổi này chúng ta đã đề cập tới câu: “Ta đến không phải để xoá bỏ luật, nhưng để kiện toàn nó”. Chúng ta đã bàn tới câu đó một cách cụ thể trong câu chuyện về của lễ Đền thờ. Của lễ luôn chỉ là một vật thay thế. Và giờ đây, khi nhân vật mang của lễ đích thật xuất hiện, và qua đó giúp ta có thể hi sinh cho Chúa, thì toàn bộ ý nghĩa về việc tế lễ kia đã hoàn tất trong Ngài. Và chính Ngài là đền thờ sống động thay cho mọi thứ đền thờ. Như vậy, Ngài đến không phải để xoá bỏ cái gì, nhưng là để đưa nó đạt tới đích.

Trong ý nghĩa đó, của lễ dâng cho Đền thờ đã được hiện tại hoá trong Mình Thánh, một hình thái mà trước đó mới chỉ có được những hình ảnh xa gần mà thôi. Như vậy, có thể nói, Thiên Chúa đã không tự sửa sai. Nhưng trái lại, Ngài giúp ta thấy được động lực nội tại và hướng tới của con đường mà Ngài thoạt tiên đã mở cho ta, nhưng ta chưa thể đi tới nổi. Ý nghĩa thực sự của con đường đó giờ đây đã được kiện toàn và có được đúng chỗ của nó.

Kinh Thánh nói về một “Is-ra-en mới, một dân thiên chúa mà Ngươi đã gọi”. Nghĩa là giờ đây, với sự xuất hiện của đấng Cứu tinh, những người đi theo Ngài, các ki-tô hữu, trở thành dân mới, dân được Thiên Chúa chọn riêng?

Vâng, có thể nói được như thế. Có thể nói đó là Is-ra-en mở rộng. Thánh Phao-lô nói rõ, con cái Ab-ra-ham không phải chỉ là những người máu mủ, nhưng là tất cả những ai có chung đức tin với ông. Như vậy, vòng máu mủ của Is-ra-en được nới rộng ra bởi cộng đoàn Đức Ki-tô. Nhờ vào một quyết định nền tảng (nhất là vào một quà tặng) mà cộng đoàn này đã trở thành một dân, khiến cho lời hứa giờ đây trở thành phổ quát.

Chữ được chọn nghe không ổn lắm, vì nó gợi lên sự hạn chế, cho rằng ta đây là kẻ tốt hơn. Theo nghĩa ban đầu của Kinh Thánh, chữ này muốn nói tới việc Chúa chọn một dân tộc, để giao cho họ một công tác, và để họ thông báo tới những dân khác một điều gì. Như vậy, được chọn luôn có nghĩa là chọn cho một việc gì đó. Về một khía cạnh nào đó, có thể nói, kẻ được chọn phải mang gánh nặng, vì phải nhận trách nhiệm cho kẻ khác.

Trong ý nghĩa đó, ý niệmđược chọn và ý niệmIs-ra-en bao gồm tất cả những ai nhờ qua Đức Ki-tô trở thành con cháu của Ab-ra-ham, trở nên con cái của Thiên Chúa hằng sống. Tuy nhiên, họ không phải được chọn để sống cho người khác, hầu có được hộ chiếu đặc biệt bước qua cửa thiên đàng, nhưng là để tham dự vào việc phục vụ Đức Ki-tô, vào công tác của Is-ra-en đối với lịch sử.